Có rất ít nơi trên Trái Đất bị cô lập như Trindade, một hòn đảo núi lửa ngoài ở khơi bờ biển Brazil mà phải đi thuyền 3 đến 4 ngày mới có thể tiếp cận. Vì vậy, nhà địa chất học Fernanda Avelar Santos – Giáo sư tại Đại học Liên bang Parana ở miền nam Brazil – đã giật mình khi nhận ra một dấu hiệu đáng lo ngại về tác động của con người đối với cảnh quan hoang sơ tại đây: những tảng đá được hình thành từ rác thải nhựa trôi nổi trong đại dương, AFP hôm 21/3 đưa tin.
Santos lần đầu tiên tìm thấy “đá nhựa” vào năm 2019, khi cô đến đảo để nghiên cứu luận án tiến sĩ về một chủ đề hoàn toàn khác: sạt lở đất và xói mòn. Trong lúc làm việc gần một khu bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ có tên là Bãi biển Rùa, nơi sinh sản lớn nhất thế giới của loài đồi mồi dứa có nguy cơ tuyệt chủng, Santos bắt gặp một tảng đá lớn màu xanh lục trông rất kỳ lạ.
Kết thúc chuyến thám hiểm kéo dài hai tháng, cô mang một số mẫu vật về phòng thí nghiệm của mình và sau khi phân tích, Santos cùng các cộng sự đã xác định chúng là một dạng hình thành địa chất mới, hợp nhất từ các vật liệu và quá trình mà Trái Đất sử dụng để hình thành đá trong hàng tỷ năm với một thành phần mới: rác thải nhựa.
“Chúng tôi kết luận rằng con người đang đóng vai trò là một tác nhân địa chất, ảnh hưởng đến các quá trình mà trước đây là hoàn toàn tự nhiên, chẳng hạn như sự hình thành đá”, Santos nói với AFP. “Nó phù hợp với ý tưởng về Anthropocene hay thế Nhân tân mà các nhà khoa học nói đến rất nhiều ngày nay, một kỷ nguyên địa chất mới khi con người ảnh hưởng đến các quá trình tự nhiên của hành tinh. Loại nhựa giống như đá này sẽ được lưu giữ trong hồ sơ địa chất và đánh dấu Anthropocene”.
Phát hiện này khiến nhà nghiên cứu băn khoăn và buồn bã. Cô mô tả Trindade giống như thiên đường: một hòn đảo nhiệt đới xinh đẹp và sự cô lập của nó đã trở thành nơi ẩn náu cho đủ loài chim biển, các loài cá đặc hữu, cua gần như tuyệt chủng và đồi mồi dứa.
Sự hiện diện duy nhất của con người trên hòn đảo ở Nam Đại Tây Dương này là một căn cứ quân sự nhỏ của Brazil và một trung tâm nghiên cứu khoa học. “Vì vậy, thật đáng buồn khi tìm thấy những thứ như thế này trên một trong những bãi biển quan trọng nhất về mặt sinh thái”, Santos nói thêm.
Cô trở lại đảo vào cuối năm ngoái để thu thập thêm mẫu vật và tìm hiểu sâu hơn về hiện tượng này. Nhà nghiên cứu lo sợ rằng khi đá nhựa bị xói mòn, vi nhựa sẽ rò rỉ vào môi trường và làm ô nhiễm thêm chuỗi thức ăn của hòn đảo.
Trong bài đăng trên tạp chí Marine Pollution Bulletin, Santos cùng các cộng sự đã phân loại loại đá nhựa thành nhiều loại: prestiglomerate (tương tự đá trầm tích), pyroplastic (tương tự đá vụn) và đá dẻo (tương tự đá núi lửa hình thành từ dung nham).
“Ô nhiễm biển đang làm thay đổi mô hình của các khái niệm về sự hình thành trầm tích và đá,” nhóm nghiên cứu viết trong báo cáo. “Sự can thiệp của con người hiện nay phổ biến đến mức chúng ta phải đặt câu hỏi điều gì mới thực sự là tự nhiên”.
Thành phần chính trong những tảng đá mà Santos phát hiện là tàn tích từ lưới đánh cá. Tuy nhiên, các dòng hải lưu cũng cuốn theo rất nhiều chai lọ, rác thải sinh hoạt và các loại nhựa khác từ khắp nơi trên thế giới đến hòn đảo này.
“Trindade là nơi nguyên sơ nhất mà tôi biết. Việc nhìn thấy mức độ dễ bị tổn thương của nó cho thấy vấn đề ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa phổ biến trên toàn thế giới như thế nào”, nhà nghiên cứu nhấn mạnh.